Trường ca Messiah Messiah (Handel)

Kitô hữu tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Messiah tức là Chúa Cứu Thế. Nhà nghiên cứu âm nhạc Richard Luckett miêu tả Messiah của Handel là " một sự luận giải về sự Giáng sinh, Thương khó, Phục sinh, và về trời của Chúa Giêsu, khởi đầu với lời hứa của Thiên Chúa qua sự tuyên cáo của những nhà tiên tri và kết thúc với sự tôn vinh dành cho Chúa Kitô trên thiên đàng".[14] Khác với hầu hết những bản oratorio của Handel, các ca sĩ trong Messiah không diễn kịch, cũng không có giọng nói dẫn chuyện chủ đạo, và rất ít diễn từ trích dẫn. Chủ đích của Jennes không phải là tái hiện cuộc đời và giáo huấn của Chúa Giêsu, nhưng là tụng ca "Sự Huyền nhiệm của Thiên Chúa",[15] dẫn ý từ Kinh Thánh theo bản King James, và các chương Thi thiên được trích dẫn trong Sách Cầu nguyện chung của Anh giáo.[16] Trong hầu hết những bản oratorio của Handel, giọng đơn ca giữ vị trí chủ đạo, ban hợp xướng chỉ trình bày những đoạn ngắn; nhưng với Messiah "chính phần hợp xướng đã làm thăng hoa tác phẩm khi tạo ra dòng cảm xúc mãnh liệt và làm nổi bật những thông điệp", theo nhận xét của Laurence Cummings, giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Handel Luân Đôn[17]

Cấu trúc ba phần của Messiah cũng tương tự như những vở opera ba hồi của Handel, mỗi phần có nhiều "cảnh" theo sự phân chia của Jennens. Mỗi "cảnh" có một số "đoạn" được thể hiện theo cách hát nói, aria, hoặc hợp xướng.[15] Có hai đoạn dành cho các loại nhạc cụ, đoạn dẫn nhập Sinfony theo phong cách French overture,[n 2] và pastoral Pifa, thường gọi là "pastoral symphony", tại trung điểm của Phần I.[19]

Ở phần I, những nhà tiên tri thời Cựu Ước tiên báo sự giáng sinh của Đấng Messiah. Sự kiện các thiên sứ báo tin mừng cho những mục tử được thể hiện qua lời ký thuật của Phúc âm Lu-ca. Phần II thuật lại sự thương khó, sự chết, sự phục sinh và về trời của Chúa Giêsu, Phúc âm được rao giảng trên khắp thế giới, và sự vinh hiển của Thiên Chúa được thể hiện cách cô đọng và súc tích trong tuyệt khúc "Hallelujah". Phần III khởi đi từ lời hứa về sự cứu rỗi, kế tiếp là lời tiên báo về Ngày Đoán xét và sự sống lại phổ quát, rồi kết thúc với sự đắc thắng tội lỗi cùng sự chết, và sự ngợi ca dành cho Chúa Ki-tô.[20] Theo nhà âm nhạc học Donald Burrows, những người không có sự hiểu biết căn bản về Kinh Thánh khó nắm bắt được nội dung của bản trường ca.[20] Vì vậy, Jennens cho ấn hành và phân phối những bản dẫn giải.[21]

Chân dung Charles Jennens khoảng năm 1740

Ca từ

Charles Jennens sinh khoảng năm 1700 trong một gia đình giàu có sở hữu nhiều đất đai và tài sản trong vùng Warwickshire và Leicestershire, về sau ông thừa kế tài sản của gia đình.[22] Do quan điểm tôn giáo và chính trị của mình – phản đối Đạo luật Settlement năm 1701 cho phép thành viên Nhà Hanover đến từ Đức lên ngôi trị vì nước Anh – Jennens không được nhận văn bằng của Trường Balliol, Đại học Oxford, cũng không được bổ nhiệm vào các chức vụ công. Song, tài sản của gia đình cho phép ông theo đuổi nếp sống phong lưu và dành nhiều thời gian cho niềm đam mê âm nhạc và văn chương.[23] Nhà âm nhạc học Donald Burrows viết, "không có chút nghi ngờ nào về tài năng viết ca từ của Jennens". Ông say mê và hỗ trợ tích cực cho Handel, trợ giúp tiền bạc để phát hành tất cả những bản tổng phổ của Handel kể từ Rodelinda năm 1725.[24] Đến năm 1741, sau sự cộng tác để hình thành tác phẩm Saul, một tình bạn nồng ấm nảy sinh giữa Jennens và Handel, lãnh địa của gia đình Jennens tại Gopsall là nơi Handel thường xuyên lui tới.[22]

Trong bức thư gởi Holdsworth đề ngày 10 tháng 7 năm 1741, Jennens lần đầu tiên đề cập đến Messiah, nói rằng nội dung của bản trường ca vừa mới hoàn thành, có lẽ vào đầu mùa hè. Là một tín hữu Anh giáo mộ đạo và xác tín vào thẩm quyền Kinh Thánh, một phần trong chủ đích của Jennens là thách thức những người theo Thần giáo (Deism), họ bác bỏ giáo lý Thiên Chúa, với quyền tể trị, can thiệp vào các vấn đề của con người.[14] Không có chứng cứ nào cho rằng Handel đóng vai trò tích cực trong việc tuyển lựa và chăm chút phần nội dung của bản trường ca như ông đã làm cho Saul; có lẽ ông nhận ra rằng chỉnh sửa tác phẩm của Jennens là không cần thiết.[13]

Phổ nhạc

Trang bìa bản tổng phổ Messiah viết tay của Handel

Phần nhạc của Messiah được hoàn tất chỉ trong 24 ngày theo tốc độ viết nhạc của Handel. Sau khi nhận phần ca từ của Jennens, chỉ một thời gian ngắn sau ngày 10 tháng 7 năm 1741, Handel khởi sự viết nhạc cho Messiah từ ngày 22 tháng 8. Những gì được ghi lại cho thấy đến ngày 28 tháng 8 ông đã hoàn tất Phần I, ngày 6 tháng 9 Phần II, và Phần III vào ngày 12 tháng 9, rồi thêm hai ngày nữa để hoàn chỉnh tác phẩm vào ngày 14 tháng 9. Trong bản tổng phổ viết tay dày 259 trang có những chỗ phô bày sự vội vàng của tác giả như những dấu mực, vết xước, các dòng kẻ còn bỏ trống, và những lỗi chưa chỉnh sửa. Dù vậy, theo học giả âm nhạc Richard Luckett đối với một tác phẩm lớn như Messiah thì số lượng sai sót như thế là rất nhỏ.[25]

Cuối bản thảo Handel ghi "SDG" – Soli Deo Gloria, "Sự vinh hiển chỉ dành riêng cho Thiên Chúa". Dòng chữ này cùng tốc độ sáng tác đã củng cố niềm tin rằng Handel đã nhận lãnh sự soi dẫn thiên thượng trong khi phổ nhạc cho câu chuyện dẫn ý từ Kinh Thánh, như ông thuật lại trải nghiệm của mình khi viết bản hợp xướng "Hallelujah", "tôi đã nhìn thấy thiên đàng ngay trước mắt".[25] Theo thói quen khi viết một tác phẩm mới, Handel chọn một số sáng tác có sẵn để đưa vào Messiah như bài song ca tiếng Ý sáng tác một thời gian ngắn trước đó và một bài khác viết từ hai mươi năm trước. Cũng vậy, Se tu non lasci amore từ năm 1722 được chọn làm phần nền cho "Hỡi sự chết, nọc độc của ngươi ở đâu?";[26] "Ách của Ngài dễ chịu".[27] và "Ngài sẽ thanh tẩy"[28] được rút ra từ Quel fior che alla’ride (tháng 7 năm 1741), "Một con trẻ sẽ được sinh cho chúng ta,"[29] và "Hết thảy chúng ta đều như chiên đi lạc"[30] từ Nò, di voi non vo' fidarmi (tháng 7 năm 1741).[31][32] Trong bản tổng phổ, theo tập quán đương thời, Handel dành nhiều khoảng trống cho các loại nhạc cụ, những ấn bản sau này đã thêm nhiều chi tiết vào bản tổng phổ nguyên thủy.[33]

Handel hiệu đính nhiều lần bản tổng phổ viết tay trước khi đưa tác phẩm này ra mắt công chúng.[33] Từ năm 1742 đến 1754, ông tiếp tục hiệu đính và viết lại những phần riêng lẻ, có lẽ để thích ứng với đặc điểm của mỗi ca sĩ. Bản tổng phổ Messiah được phát hành lần đầu năm 1767, sáu năm khi Handel mất.[34]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Messiah (Handel) http://www.christianitytoday.com/ct/2000/decemberw... http://www.dailymotion.com/video/x2hbf4_handel-mes... http://www.meaus.com/lobkowicz.htm http://query.nytimes.com/gst/abstract.html?res=9A0... http://query.nytimes.com/gst/fullpage.html?res=940... http://www.nytimes.com/1865/06/04/news/the-great-m... http://www.oxfordmusiconline.com/subscriber/articl... http://www.post-gazette.com/pg/06353/747100-42.stm http://www.smithsonianmag.com/arts-culture/The-Glo... http://www.smithsonianmag.com/arts-culture/The-Glo...